Vĩnh Phúc tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn, trọng điểm

Hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc đã, đang và sẽ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm, góp phần hoàn thiện hạ tầng khung đô thị, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Mặt bằng – rào cản tiến độ của các dự án

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Vĩnh Phúc đang thực hiện 10 dự án lớn, trọng điểm theo hình thức đầu tư trực tiếp; 8 dự án đầu tư công và chuẩn bị đầu tư 18 dự án lớn. Xác định việc triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm là nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng khung đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… nên việc triển khai một số dự án lớn, trọng điểm còn chậm.

Chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương trên phần diện tích được giao.
Chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương trên phần diện tích được giao.

Điển hình là dự án Khu công nghiệp Sông Lô I, tổng diện hơn 177ha thuộc các xã Tứ Yên, Đức Bác, Đồng Thịnh do Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Sông Lô làm chủ đầu tư. Đến nay, huyện Sông Lô đã kiểm đếm, kê khai quy chủ được 145,6ha; lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng công khai 85,6ha; phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng 41,2ha; hỗ trợ di chuyển 459/499 ngôi mộ ra khỏi ranh giới dự án; tạm ứng trên 11,4 tỷ đồng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với khu tái định cư dự án, huyện Sông Lô đã kiểm kê giải phóng mặt bằng, phê duyệt giới thiệu địa điểm, vốn đầu tư, quy hoạch chi tiết 1/500; phê duyệt đánh giá tác động môi trường… Tuy nhiên, cái khó trong triển khai dự án này là dự án nghĩa trang Phù Trưng và dự án Nhà máy nước Phúc Bình nằm trong ranh giới khu công nghiệp, nhiều hộ dân không đồng tình và chưa ký biên bản kiểm đếm, làm ảnh hưởng đến việc trình phương án để thẩm định.

Trước vướng mắc trên, huyện Sông Lô và Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Sông Lô đã có văn bản đề nghị tỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cho Khu công nghiệp Sông Lô I và tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục trồng rừng thay thế để dự án được khởi công đúng kế hoạch.

Dự án Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 399/QĐ – TTg ngày 19/3/2021; UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ – UBND ngày 07/01/2022, với tổng diện tích trên 295ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp cho thuê hơn 200ha thuộc địa phận thị trấn Hương Canh, Đạo Đức và các xã Phú Xuân, Tân Phong. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng do Công ty TNHH Phát triển Nam Bình Xuyên Green Park làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Xuyên, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án còn chậm; việc giải quyết phần diện tích đất nông nghiệp khó canh tác, xen kẹp giữa khu công nghiệp với các dự án khác gặp khó khăn. Đến hết tháng 4/2024, dự án mới kiểm đếm, kê khai, quy chủ được 95ha; có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng 33,7ha. Tại thị trấn Đạo Đức, nhiều hộ dân đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh diện tích khu Đồng Sản, Đầm Trôi ra khỏi quy hoạch để xây dựng nghĩa trang nhân dân và thu hồi hết khoảng 5,78ha đất nông nghiệp do diện tích đầm, không có hệ thống tưới tiêu nên không thể sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích đã kê khai khoảng 22ha tại 5 tổ dân phố, gồm: Tổ dân phố Chùa, Trại Giật, Giữa, Kếu, Trại ở thị trấn Hương Canh (thị trấn Đạo Đức), các hộ gia đình đề nghị điều chỉnh, chỉnh lý lại mảnh trích đo địa chính cho đúng với hiện trạng sử dụng đất và đúng với diện tích các hộ được giao đất.

Để dự án hoàn thành giai đoạn I, quy mô 150ha, cho thuê hạ tầng từ tháng 10/2024 và giai đoạn 2, quy mô hơn 140ha đi vào vận hành năm 2026, huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân. Tổ chức việc kê khai, kiểm đếm, xây dựng phương án chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, bảo đảm đúng chính sách, kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét, giải quyết, hướng dẫn giải quyết việc thu hồi diện tích đất xen kẹt, khó canh tác nằm ngoài ranh giới dự án.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải huyện Lập Thạch được đầu tư xây dựng tại xã Xuân Hòa, tổng diện tích 6ha, công suất 270 tấn/ngày đêm, tổng vốn đầu tư trên 263 tỷ đồng do Công ty cổ phần ITC Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án đã được UBND tỉnh giao đất tại Quyết định số 3168; phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 3258 và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3269. Ông Ngô Tuấn Hạnh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Lập Thạch cho biết: Xác định bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Nhà máy xử lý rác thải đặc biệt khó khăn, thời gian qua, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Hơn hết, tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân các thôn Thành Công, Đồng Chủ (xã Xuân Hòa), thôn Ngọc Sơn (xã Ngọc Mỹ). Tuy nhiên, kết quả đối thoại không thành do người dân không tham gia nhằm phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Lập Thạch đã chủ động làm việc với Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan để đánh giá kỹ tính khả thi của phương án đầu tư dự án. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức của nhân dân xung quanh khu vực triển khai dự án.

Cũng quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho dự án Khu công nghiệp Tam Dương I để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đúng hướng, huyện Tam Dương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhường đất cho phát triển công nghiệp.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Dương, dự án Khu công nghiệp Tam Dương I có diện tích 162,33ha, tổng vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, thuộc địa bàn thị trấn Hợp Hòa và các xã Hướng Đạo, Đạo Tú. Đến nay, huyện Tam Dương đã thực hiện quy chủ được 76,1ha, kiểm điếm được 65,2ha, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di chuyển 550 ngôi mộ ra khỏi ranh giới dự án.

Việc giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại rất khó khăn do hồ sơ địa chính nhiều thửa đất chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp lần đầu chưa đúng nhưng đã được mua, bán, chuyển nhượng nhiều lần. Bên cạnh đó, phần đất ở cần bồi thường, giải phóng mặt bằng của 200 hộ dân phụ thuộc vào dự án tái định cư nhưng tiến độ thực hiện khu tái định cư rất chậm và kinh phí để xây dựng rất lớn.

Để tháo gỡ các khó khăn trên, huyện Tam Dương sẽ tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong dân, bảo đảm mọi quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tập trung rà soát, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong việc quy chủ, lập hồ sơ địa chính đối với những thửa đất chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp lần đầu chưa đúng. Hoàn thiện hồ sơ, quy trình thủ tục để sẵn sàng cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp cố tình chây ì, gây khó khăn, cản trở quá trình giải phóng mặt bằng, bảo đảm sự công bằng, thượng tôn pháp luật và tiến độ triển khai dự án.

Sẽ gỡ vướng từng dự án

Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, tỉnh Vĩnh Phúc đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm. Đặc biệt, cùng với tập trung gỡ vướng cho các dự án đầu tư trực tiếp, dự án đầu tư công, tỉnh đang chuẩn bị đầu tư 18 dự án lớn, trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công. Gồm: Dự án Khu liên hợp thể thao tỉnh Vĩnh Phúc; dự án xây dựng các trường THCS trọng điểm chất lượng cao cấp huyện; dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc và tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, thành phố Vĩnh Yên; dự án nút giao IC2 và nút giao IC5; dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 2B; dự án nâng cấp, mở rộng đường trục Bắc Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đến thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; dự án hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp…

Nỗ lực có thêm nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm hoàn thiện, đi vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực cho thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Riêng năm 2024, tỉnh dành trên 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, việc triển khai hầu hết các dự án lớn, trọng điểm đều chậm do vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục đầu tư…

Quyết liệt khơi thông điểm nghẽn cho các dự án, ngay đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư; công tác đấu thầu. Đồng thời, yêu cầu các huyện, thành phố quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm thực hiện thẩm định phê duyệt giá bồi thường, dẫn đến chậm chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân.

Mới đây, ngày 4/5/2024, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã đi kiểm tra thực tế tại dự án cải tạo cảnh quan hồ Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên; kiểm tra thực địa và chỉ đạo giải quyết vụ việc vi phạm đất đai tại Công ty TNHH Kim Long trên địa bàn các phường Liên Bảo, Khai Quang, Định Trung, thành phố Vĩnh Yên và thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương. Cùng ngày, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vũ Việt Văn đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai dự án xây dựng, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên và dự án Trường THPT Trần Phú.

Còn trước đó, tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra ngày 24/4, khi cho ý kiến vào tình hình triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có cuộc họp chuyên đề về nội dung này để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Riêng đối với các dự án nhà máy xử lý rác thải, dự án cải tạo cảnh quan hồ Đầm Vạc, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải có công nghệ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường. Đặc biệt, việc cải tạo hồ Đầm Vạc phải trở thành lá phổi, nét độc đáo riêng có của thành phố Vĩnh Yên và là biểu tượng, cảnh quan tiêu biểu của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cụ thể cho từng dự án; nghiên cứu, đầu tư khu du lịch Tam Đảo thật sự tương xứng với khu du lịch là biểu trưng, thương hiệu của du lịch Vĩnh Phúc.

Nguồn: Báo Xây Dựng