THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐANG THẾ CHẤP TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐANG THẾ CHẤP TẠI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Một trong các quyền quan trọng nhất của người sử dụng đất đó là được để lại thừa kế quyền sử dụng đất sau khi qua đời. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản để lại thừa kế là nhà đất nhưng đang được thế chấp, bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đồng nghĩa với việc giấy tờ tài sản đang do tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng nắm giữ thì chủ sử dụng đất có quyền lập di chúc để lại thừa kế tài sản hay không? 

Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có quy định nào cụ thể để điều chỉnh. Tuy nhiên, không có quy định nào cấm việc chia/ nhận di sản thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất đang thế chấp tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng. Dựa trên các quy định pháp luật có liên quan, chủ sử dụng đất, sở hữu nhà ở hoàn toàn có thể để lại thừa kế trong thời gian nhà đất đang được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Cụ thể:

Tại Điều 188 Luật đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

  • Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này.
  • Đất không có tranh chấp.
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

1

Ngoài các điều kiện quy định trên, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Tuy nhiên, khi cá nhân thế chấp quyền sử dụng đất đứng tên mình tại ngân hàng chết không nhất định làm chấm dứt hợp đồng thế chấp. Bởi theo Bộ luật dân sự 2015, thì hợp đồng chỉ chấm dứt trong trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng chết mà hợp đồng phải do chính cá nhân đó thực hiện. Mặt khác, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

Theo điều 615 Bộ luật dân sự 2015: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Thứ nhất nếu di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

– Thứ hai nếu di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thông thường, hưởng thừa kế đối với tài sản đang thế chấp tại ngân hàng thì phải đến khi đến hạn, thanh lý hợp đồng và giải chấp, người được hưởng di sản mới có thể yêu cầu chia thừa kế.

Tuy nhiên cũng có cách khác, đó là những người thừa kế thực hiện xong trước các nghĩa vụ tài chính trước thời hạn để được thanh lý hợp đồng, tiến hành giải chấp và yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

******

Trên đây là bài viết tổng hợp bởi Batdongsanantoan.vn. Bài viết chỉ có giá trị tham khảo, để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi. Đội ngũ Luật sư bất động sản hàng đầu chúng tôi cam kết mang đến khách hàng các dịch vụ pháp lý Bất động sản AN TOÀN – HIỆU QUẢ.

Liên hệ: 0931 754 754

Xem thêm: