Bố trí nguồn lực bảo đảm cho việc thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản

Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ cần kịp thời bố trí nguồn lực và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) và các văn bản quy định chi tiết Luật để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai cũng như mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật.

Báo cáo công tác giám sát việc triển khai đối với một số luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thuộc lĩnh vực Ủy ban Kinh tế phụ trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về công tác giám sát việc triển khai Luật Đất đai, Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành.

Chu Nhiem Uy Ban Kinh Te Vu Hong Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật. Trong năm 2024, dự kiến sẽ ban hành các Nghị định thi hành Luật Đất đai về các nội dung: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về quỹ phát triển đất; quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định về giá đất; quy định chi tiết về đất trồng lúa; quy định về lấn biển; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi lĩnh vực phụ trách sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai; tập trung vào sự phù hợp của các Nghị định, Thông tư hướng dẫn với Luật về mặt nội dung, hình thức, thẩm quyền ban hành… bảo đảm các Nghị định, thông tư phải quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2024; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và hệ thống pháp luật.

Đối với Luật Kinh doanh BĐS, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, luật có 20 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 1 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng và 3 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

Để Luật Kinh doanh BĐS sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành. Hiện nay, các Bộ, ngành liên quan đang trong quá trình xây dựng các văn bản để bảo đảm kịp thời ban hành khi Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 có hiệu lực.

Các cơ quan của Quốc hội trong phạm vi lĩnh vực phụ trách có trách nhiệm giám sát việc xây dựng, bảo đảm các Nghị định, thông tư phải quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về kinh doanh BĐS; đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan mới được ban hành; đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trong năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề: công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường BĐS; nguồn cung BĐS; giao dịch BĐS; tình hình hoạt động của doanh nghiệp BĐS; công tác quy hoạch; việc sử dụng đất để thực hiện dự án; trình tự, thủ tục thực hiện dự án; nguồn vốn cho thị trường BĐS; kinh doanh dịch vụ BĐS; công khai, minh bạch thông tin về thị trường; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, điều tra, xét xử, thi hành án trong kinh doanh BĐS…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, kết quả giám sát sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của pháp luật về kinh doanh BĐS.

Để nâng cao hiệu quả việc triển khai, thực hiện các Luật, Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ sát sao chỉ đạo việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật trong năm 2024, sớm giao nhiệm vụ gắn với tiến độ cụ thể hoàn thành, bảo đảm các văn bản này có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật; chú trọng công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thuộc các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, Sở, ngành địa phương được giao tổ chức thi hành luật.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát các văn bản dưới luật khác có liên quan, kiến nghị sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh BĐS; đặc biệt đối với 08 luật được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Đất đai.

Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15). Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Nguồn: Báo Xây Dựng