Chung cư mini – nên quản hay cấm?

Không ủng hộ phát triển nhưng chuyên gia cho rằng, với việc chung cư mini đang giải quyết nhu cầu nhà ở cho cả triệu người, nên tìm cách quản lý thay vì cấm.

Ứng xử như thế nào với chung cư mini là vấn đề được đặt ra sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, quận Thanh Xuân. Mô hình chung cư mini đã xuất hiện phổ biến tại các đô thị lớn nhưng các văn bản pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản lại chưa từng đề cập khái niệm này. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát dự án Luật Nhà ở sửa đổi, tuy nhiên “dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini”.

Chia sẻ với báo chí hôm 21/9, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, cho biết mô hình chung cư mini không thể tồn tại bởi Luật Nhà ở 2014 không phân loại sản phẩm này. Chung cư mini xin giấy phép là nhà riêng lẻ, xây nhiều phòng, kể cả cho thuê hay bán một căn hộ cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản. Loại hình này bản chất vẫn là nhà chung cư.

Ông Ngọc Anh nói biện pháp xử lý những tòa chung cư mini đã xây sai phép như vượt tầng là “đóng băng” tầng xây vượt, không cho phép cư dân ở. Chủ đầu tư phải trả tiền cho những người dân đã mua căn hộ. Giải pháp triệt để là yêu cầu những tòa chung cư mini trả lại công năng giống như giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ, không có hoạt động kinh doanh bất động sản.

Về góc độ quy hoạch, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng mô hình chung cư mini đang làm méo mó quy hoạch đô thị. Theo ông, phần lớn các chung cư mini nằm trong các ngõ ngách, hẻm sâu tại quận trung tâm. Nhiều tòa xây dựng sai phép, sai mật độ, thêm nhiều tầng, “nhồi” thêm dân cư vào trong những khu vực vốn đã quá tải.

Ông phân tích tòa chung cư mini bị cháy tại quận Thanh Xuân ban đầu chỉ được xây 6 tầng, có lửng và tum, mật độ xây dựng 70%. Nếu cho thuê, số người cư trú hợp pháp tại tòa nhà này vào khoảng 50 người. Tuy nhiên, hiện trạng căn nhà là 10 tầng, mật độ xây dựng 100% nên lượng dân cư đã tăng hơn ba lần.

“Trong hàng nghìn tòa chung cư mini, tòa nào cũng lách luật để nhồi nhét dân cư như vậy khiến hạ tầng đô thị phải gánh áp lực quá tải”, ông nói.

Theo các chuyên gia, chung cư mini nở rộ thiếu kiểm soát còn làm cản trở mục tiêu giãn dân khỏi khu vực nội đô của thành phố. Một số trường cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp, bộ, ngành tiến tới phải di dời khỏi nội đô.

Một tòa chung cư mini nằm trong hẻm nhỏ ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Ảnh: Tùng Đinh
Một tòa chung cư mini nằm trong hẻm nhỏ ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Ảnh: Tùng Đinh

Tuy nhiên, theo chuyên gia, chưa thể loại bỏ chung cư mini bởi nó có “sức sống riêng” trên thị trường khi giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết TP HCM có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc, còn Hà Nội khoảng 4 triệu người. Riêng TP HCM mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, 5 năm bổ sung một triệu người, kéo theo nhu cầu nhà ở luôn tăng cao.

Ông cho rằng với số lượng lớn lao động thu nhập thấp và sinh viên, nhà trọ, chung cư mini là lựa chọn bắt buộc để có chỗ ở. Giá thấp, vị trí trung tâm là những ưu điểm của loại hình này. Mức giá từ 600 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng mỗi căn phù hợp với túi tiền của nhiều người, trong bối cảnh giá nhà Hà Nội, TP HCM liên tục tăng cao.

Số nhà trọ, chung cư mini do người dân xây dựng ở TP HCM có hơn 60.000 công trình với khoảng 600.000 phòng, tính đến giữa năm 2022, theo Sở Xây dựng. Nguồn cung này đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 1,8 triệu người, chiếm gần 40% tổng số lao động tại thành phố.

Trong khi đó, nhà ở xã hội, căn hộ bình dân hay kí túc xá tại các trường đại học chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của nhóm đối tượng như lao động thu nhập trung bình – thấp, hộ gia đình trẻ, sinh viên.

Ba năm trở lại đây, Hà Nội và TP HCM gần như vắng bóng dự án căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng mỗi m2), trong khi phân khúc cao cấp chiếm 70-80% nguồn cung. Một phân khúc phù hợp với người lao động thu nhập thấp là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, nguồn cung cũng ít ỏi và chỉ dành cho một nhóm đối tượng đáp ứng tiêu chí thụ hưởng chính sách.

“Thiếu nhà ở cho nhóm người yếu thế, vốn chiếm phần lớn trong xã hội dẫn đến sự ra đời và nở rộ chung cư mini trong hơn một thập kỷ qua”, ông Châu nói.

Khảo sát nhanh gần đây của VnExpress với gần 12.000 lượt trả lời cho thấy, hơn 40% ủng hộ chung cư mini tiếp tục tồn tại vì giải quyết nhu cầu nhà ở vừa túi tiền tại các đô thị.

Tuy nhiên, Đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng không nên ủng hộ tư tưởng chung cư mini mà cần ủng hộ mục tiêu nhà cho người thu nhập thấp. Nhà nước cần tính toán về quỹ căn hộ giá từ 700 triệu đồng đến một tỷ đồng cho gia đình thu nhập thấp, đảm bảo quy chuẩn của nhà chung cư, an toàn phòng cháy chữa cháy. Sinh viên tại các đô thị lớn cần tạo điều kiện vào ký túc xá, còn công nhân được sắp xếp tại các nhà ở xã hội cho thuê.

Với hiện trạng hàng nghìn tòa chung cư mini đã tồn tại nhiều năm, ông An cho rằng dù chưa thể xử lý như đập đi hay cấm, việc phải làm là tăng cường quản lý, nhất là quy định về phòng cháy chữa cháy. Giải pháp căn cơ là đẩy mạnh việc di chuyển các trường đại học, bệnh viện, trụ sở cơ quan ban ngành, cơ quan ra ngoài nội đô. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ và giảm thiểu các khu dân cư có mật độ quá lớn trong các ngõ, hẻm.

Cùng quan điểm, Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội đánh giá “bản chất mô hình chung cư mini không xấu”. Việc nhiều gia đình chấp nhận rủi ro để mua căn chung cư mini phần nào cho thấy thực trạng phát triển nhà ở thiếu đồng đều ở các đô thị, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên. Theo ông, việc đẩy mạnh đề án một triệu căn nhà xã hội được kỳ vọng phần nào giải quyết tình trạng thiếu hụt trên. Tuy nhiên, điều kiện về đối tượng thụ hưởng chính sách cần nới lỏng để nhóm người yếu thế có thể tiếp cận.

Theo VnExpress