Đất đang trong quy hoạch có tách thửa được không?

dat dang trong quy hoach co tach thua duoc khong

Câu hỏi: Chào Luật sư, hiện gia đình chồng tôi có một mảnh đất 438m2 ở Vĩnh Phúc đang thuộc diện quy hoạch, hiện nay gia đình tôi muốn tách thửa để xây nhà ra ở riêng liệu có được không?

Luật sư tư vấn:

1. Về việc đất có tách thửa được không?

Căn cứ Khoản 7 Điều 49 Luật đất đai 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch có quy định như sau:

“Điều 49. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
7. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, có hai trường hợp xảy ra:

+ Nếu đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất không thể thực hiện được các quyền của người sử dụng đất, trong đó có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tách thửa, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất,…

+ Nếu trong diện quy hoạch chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, tức là đất thuộc diện quy hoạch treo thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu đất của gia đình bạn đang trong diện quy hoạch treo thì bạn vẫn được quyền thực hiện thủ tục tách thửa nếu đáp ứng đủ điều kiện tách thửa theo quy định của pháp luật. Còn nếu đất của bạn trong diện quy hoạch đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không thể thực hiện tách thửa.

2. Điều kiện tách thửa tại Vĩnh Phúc

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quy định về điều kiện tách thửa đất ở tại Quyết định 42/2014/QĐ-UBND và Quyết định 28/2016/QĐ-UBND (Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 42/2014/QĐ-UBND).

Điều kiện tách thửa đối với đất ở tại Vĩnh Phúc được quy định tại Điều 12 Quyết định 42/2014/QĐ-UBND và khoản 4 Điều 1 Quyết định 42/2014/QĐ-UBND.

Theo đó, thửa đất ở tại Vĩnh Phúc của bạn muốn được tách thửa thì thửa đất mới được hình thành sau khi tách cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Mục đích tách thửa là để chuyển nhượng, tặng cho và việc chia tách thửa đất ở là để hình thành thửa mới mà không có sự nhập thửa giữa các thành viên trong hộ gia đình, hoặc giữa những hộ gia đình, cá nhân với nhau;

– Chiều rộng và chiều sâu so với chỉ giởi xây dựng là 03 mét trở lên;

– Diện tích mỗi thửa sau khi tách phải từ 30 m2 trở lên (điều kiện này được áp dụng chung trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc, không phân biệt là đất ở tại nông thôn hay đất ở tại đô thị);

– Trường hợp chia tách thửa đất có hình thành đường giao thông thì đường giao thông có mặt cắt ngang ≥ 1,5 m;

– Đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có quy chế quản lý hoạt động xây dựng hay quy chế quản lý quy hoạch thì việc tách thửa phải tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt;

– Nếu thửa đất của bạn thuộc vào các trường hợp đặc biệt thì do Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Chú ý: Không thuộc các trường hợp không được phép tách thửa:

– Thửa đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
– Thửa đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;
Ngoài ra, thửa đất của bạn phải đảm bảo các điều kiện khác được quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 như:
– Quyền sử dụng đất không được kê biên để đảm bảo thi hành án;
– Thửa đất không có tranh chấp;

Như vậy, khi thửa đất ở của bạn đáp ứng tất cả các điều kiện nêu trên thì bạn có thể đề nghị thực hiện tách thửa đất theo quy định pháp luật.