02 Cách chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi cá nhân trong hộ không đồng ý

Khi bìa đỏ đứng tên Hộ gia đình, nếu có nhu cầu chuyển nhượng phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy đâu là cách chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình khi có một hoặc nhiều thành viên trong hộ không đồng ý chuyển nhượng. Cùng Batdongsanantoan.vn tìm hiểu tại bài viết dưới đây:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật đất đai 2013;

– Thông tư 02/2015/TT-BTNMT.

2. Hộ gia đình là gì? Tài sản chung của các thành viên trong hộ gia đình là gì?

Hiện nay các quy định pháp luật cũng có nhắc đến thuật ngữ hộ gia đình, tuy nhiên chưa có văn bản nào quy định cụ thể hộ gia đình là gì. Thực tiễn qua các quy định pháp luật, quan hệ xã hội có liên quan đến thuật ngữ này thì hộ gia đình có thể được hiểu là: “Tập hợp nhóm người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng; cùng chung sống trên cơ sở các mối quan hệ trên tạo nên sự ràng buộc về mặt vật chất cũng như tinh thần giữa các thành viên trong hộ.”

Chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành thì Hộ gia đình là một tổ chức không có tư cách pháp nhận, không thể tự mình tham gia vào các quan hệ dân sự được. Vì vậy, khi Hộ gia đình tham gia các quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình sẽ là chủ thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc các thành viên trong hộ gia đình ủy quyền đại diện cho một người tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự đó.

Căn cứ theo quy định tại Điều 102, BLDS 2015 thì quyền sử dụng đất cung là một loại tài sản thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình. Các thành viên hộ gia đình được xác định là đồng chủ sở hữu đối với tài sản này. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình được thực hiện theo sự thỏa thuận của các thành viên và việc định đoạt phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3. Cách chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình khi có một hoặc nhiều thành viên trong hộ không đồng ý chuyển nhượng

          Khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì người đứng tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền chỉ được ký hợp đồng chuyển nhượng nếu đã được các thành viên chung quyền sử dụng đất đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Như vậy, trong trường hợp có một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình không đồng ý việc chuyển nhượng Quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình thì việc chuyển nhượng sẽ không thể thực hiện được.

          Vậy làm thế nào để có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung của hộ gia đình khi có một hoặc nhiều thành viên trong hộ không đồng ý chuyển nhượng?

          Về cơ bản, việc chuyển nhượng toàn bộ Quyền sử dụng đất của hộ gia đình khi có một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình không đồng ý chuyển nhượng là điều không thể. Tuy nhiên, vẫn có một số cách để có thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình trong trường hợp này, cụ thể như sau:

          Cách 1: Các thành viên trong hộ gia đình thống nhất với nhau về việc tách phần quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung cho thành viên không đồng ý chuyển nhượng. Sau khi thực hiện xong thủ tục tách quyền sử dụng đất cho thành viên không đồng ý thì các thành viên còn lại thực hiện việc chuyển nhượng phần diện tích đất còn lại của hộ gia đình theo đúng quy định pháp luật.

          Cách 2: Trong trường hợp có thành viên không đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình và cũng không đồng ý thỏa thuận, phối hợp để tách riêng phần quyền sử dụng đất của họ ra như ở “Cách 1” nêu trên thì các thành viên trong hộ gia đình có thể tiến hành đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc chia khối tài sản chung của hộ gia đình theo quy định pháp luật. Sau khi quyền sử dụng đất được chia lại thì các thành viên trong hộ gia đình có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất mình được hưởng theo đúng quy định pháp luật.

Trên đây là bài viết được tổng hợp bởi Batdongsanantoan.vn. Bài viết chỉ có giá trị tham khảo, để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi. Với đội ngũ Luật sư bất động sản hàng đầu, chúng tôi cam kết mang đến khách hàng các dịch vụ pháp lý Bất động sản AN TOÀN – HIỆU QUẢ.

Liên hệ Luật sư: 0979 80 1111 – 0975 490 385

Xem thêm: